Tham dự chương trình có PGS.TS Nguyễn Bá Chiến, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội, Trưởng ban Cố vấn cuộc thi; TS.Lê Thanh Huyền, Phó Hiệu trưởng Nhà trường, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi; Ông Ngô Văn Khoa, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Trẻ Hà Nội, thành viên Ban Cố vấn cuộc thi; đại diện lãnh đạo Đoàn Khối các cơ quan Trung ương, hơn 20 doanh nhân và chuyên gia đến từ các doanh nghiệp, các đơn vị đồng hành, các đối tác, các nhà tại trợ và 7 đội thi xuất sắc nhất được lựa chọn vào vòng chung kết, trong tổng số 80 sản phẩm dự thi cùng các thầy cô giáo là trưởng, phó các đơn vị thuộc và trực thuộc Trường
PGS. TS Nguyễn Bá Chiến, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội phát biểu khai mạc cuộc thi
Hưởng ứng tinh thần khởi nghiệp đó, ngay từ năm 2016, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội đã phát động Dự án Hỗ trợ Khởi nghiệp, đến năm 2019 sức lan tỏa của cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các bạn sinh viên trong và ngoài nhà trường. Cuộc thi đã thu hút được tới 80 sản phẩm dự thi của 76 đội, đến từ sinh viên của 17 cơ sở giáo dục đại học trên cả nước. Các sản phẩm dự thi ở nhiều lĩnh vực, như: sản xuất, công nghệ, giáo dục đào tạo, du lịch, nông nghiệp sạch,… Cuộc thi được tổ chức nhằm mục đích: Cổ vũ, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và tinh thần kiến quốc của thanh niên, sinh viên; tìm kiếm và hỗ trợ dự án khởi nghiệp chất lượng, sáng tạo để triển khai trên thực tế; xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại cho các Dự án khởi nghiệp của thanh niên, sinh viên và xây dựng mạng lưới thanh niên, sinh viên khởi nghiệp trên cả nước.
Bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương hiệu và Quản trị Thanhs (Đơn vị bảo trợ chuyên môn cho Cuộc thi) nhận định rằng: “Cuộc thi năm nay phát triển hơn cả về lượng và chất so với Cuộc thi các năm trước, các Dự án khởi nghiệp hết sức phong phú và đa dạng, có sự đầu tư, có khả năng triển khai như: Dịch vụ hướng nghiệp và cung ứng nhân lực OHRM, Đào tạo và du lịch The Century, chuỗi cửa hàng kính mắt, chuỗi sản xuất khép kín gà đồi sinh học, Dịch vụ đưa đón trẻ Happy Road, Mô hình trồng lan Kim Tuyến dược liệu,… Cuộc thi với sự tham gia đồng hành của hàng chục doanh nhân và chuyên gia trong các lĩnh vực: chiến lược, nhân sự, bán hàng, marketing, công nghệ,… đã có tác dụng thay đổi nhận thức của sinh viên trong việc học tập gắn với thực tiễn; thu hẹp khoảng cách giữa doanh nghiệp với hoạt động đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học. Qua Cuộc thi, Ban Tổ chức có thể phát hiện những tài năng trẻ, các dự án khởi nghiệp khả thi để tiếp tục tư vấn, hỗ trợ để xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, giúp bạn trẻ hạn chế rủi ro, có thêm cơ hội khởi nghiệp thành công”. Ý tưởng Dova Chicken (Chăn nuôi, phát triển giống gà đen long xước của đồng bào Mông tại cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang) của nhóm tác giả là sinh viên Khoa Chăn nuôi Thú y, Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, đội trưởng là sinh viên Giàng Mi Dình đã xuất sắc vượt qua 80 sản phẩm dự thi để dành giải đặc biệt.
TS. Lê Thanh Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi trao giải đặc biệt
Điểm đặc biệt tạo nên thành công của Cuộc thi, đó là trong suốt quá trình diễn ra Cuộc thi, Nhà trường tiến hành nhiều chương trình nói chuyện chuyên đề, hội thảo, các khóa đào tạo, mời chuyên gia và doanh nhân về đào tạo, tư vấn khởi nghiệp cho sinh viên; kết nối doanh nghiệp với Nhà trường; xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại cho các dự án khởi nghiệp.
Ban Tổ chức Cuộc thi đã trao 01 giải đặc biệt, 01 giải nhất, 01 giải nhì, 01 giải ba, 03 giải khuyến khích và 01 giải được bình chọn nhiều nhất trên mạng Internet. Các đội lọt vào vòng chung kết ngoài nhận được phần thưởng bằng tiền mặt, giấy chứng nhận của Ban tổ chức và nhận bằng khen của Đoàn Khối các cơ quan Trung ương. Tổng trị giá giải thưởng từ tiền mặt và quy đổi ước tính 400 triệu đồng. Đặc biệt, các đội dự thi có cơ hội kêu gọi vốn đầu tư từ các nhà đầu tư chiến lược đến từ các đơn vị, doanh nghiệp.
Các đội thi chụp ảnh lưu niệm Chương trình
Trích nguồn: Báo Thương hiệu và Pháp luật